Trước diễn biến phức tạp của dịch tả lợn châu Phi, sáng 15/3, lãnh đạo Sở NN&PTNT đã kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh.

Toàn tỉnh hiện có trên 350.000 con lợn. Sau khi công bố dịch tả lợn châu Phi tại hộ gia đình ông Nguyễn Xuân Hải, ở thôn Bạch Cừ, xã Ninh Khang, huyện Hoa Lư, Ninh Bình là địa phương thứ 11 trong cả nước xuất hiện dịch tả lợn Châu Phi. Đây là loại bệnh nguy hiểm, vẫn chưa có thuốc điều trị cũng như vắc xin phòng ngừa và đang có những diễn biến phức tạp tại nhiều tỉnh, thành trên khắp cả nước.
Để chủ động phòng, chống dịch bệnh, các huyện, thành phố đã khẩn trương xây dựng kế hoạch ứng phó khẩn cấp, thành lập Ban Chỉ đạo, lập các chốt kiểm dịch tại khu vực giáp ranh và các đầu mối giao thông chính, nhằm kiểm soát việc vận chuyển động vật, sản phẩm động vật ra vào địa bàn.
Tại chốt kiểm dịch, tăng cường công tác kiểm tra, phát hiện; tiến hành khử trùng, tiêu độc bằng hóa chất sát trùng đối với các xe vận chuyển; yêu cầu chủ xe phải cung cấp giấy chứng nhận kiểm dịch động vật do cơ quan quản lý chuyên ngành Thú y cấp và bảng kê mã số đánh dấu động vật; xử lý các đối tượng vận chuyển lợn, sản phẩm của lợn không rõ nguồn gốc, không có giấy chứng nhận.
Qua kiểm tra, lãnh đạo Sở NN&PTNT ghi nhận công tác ứng phó với dịch bệnh tả lợn châu Phi của các địa phương. Các chốt kiểm dịch đã thực hiện tốt công tác kiểm tra, kiểm soát khâu buôn bán, vận chuyển động vật.
Trong thời gian tới, Sở NN&PTNT tiếp tục phối hợp với các địa phương, các ngành chức năng tập trung thực hiện các biện pháp cấp bách để phòng, chống dịch. Thực hiện nghiêm 5 không: Không dấu dịch; không mua bán, vận chuyển lợn nghi ngờ bị bệnh; không giết mổ, tiêu thụ lợn bệnh, lợn chết; không vứt lợn chết ra môi trường; không sử dụng thức ăn dư thừa, không đảm bảo…
Hướng dẫn người chăn nuôi, thú y cơ sở theo dõi đàn lợn, áp dụng các biện pháp an toàn sinh học, hằng ngày vệ sinh chuồng trại; tiêu độc khử trùng người, phương tiện ra vào khu vực chăn nuôi, hạn chế tối đa việc ra, vào thăm cơ sở chăn nuôi, nhất là tại các cơ sở sản xuất giống. Thường xuyên cập nhật tình hình, diễn biến dịch bệnh. Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền để nhân dân nhận thức đúng về dịch bệnh.
Theo Thùy Trâm (nbtv.vn)