Tích cực phòng, chống bệnh sán dây và ấu trùng sán lợn

427

Bệnh sán dây, ấu trùng sán lợn gặp ở nhiều nơi trên thế giới, người mắc bệnh thường liên quan đến tập quán ăn uống, ăn thịt lợn chưa nấu chín. Bệnh sán dây và ấu trùng sán lợn đang được phát hiện tại một số địa phương như tỉnh Bắc Ninh, Bình Phước với số đông người mắc.

Ảnh minh họa

Trao đổi với bác sỹ Nguyễn Quốc Thịnh, Trưởng khoa Ký sinh trùng, côn trùng – Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, được biết, bệnh ấu trùng sán lợn là bệnh lây từ lợn sang người. Trong chu kỳ phát triển có mối liên quan giữa người – lợn – môi trường, bệnh liên quan đến tập quán ăn uống, chăn nuôi, điều kiện vệ sinh, kinh tế – xã hội.

Từ năm 2006 đến nay, tỉnh Ninh Bình đã phát hiện có ca nhiễm sán ở xã Trường Yên (Hoa Lư), xã Yên Lâm (Yên Mô), xã Khánh Công (Yên Khánh), xã Kim Định (Kim Sơn). Nguyên nhân gây bệnh của bệnh sán dây và ấu trùng sán lợn ở người là do ấu trùng sán dây ở lợn gây nên.

Có 2 loại sán dây lợn tên khoa học là Taenia solium và Taenia asiatica, ở lợn mắc bệnh này, sán trưởng thành sống ở ruột non lợn và thải đốt theo phân ra môi trường, còn ấu trùng sống ở cơ vân, não mắt và các tạng… tạo thành các nang sán có kính thước từ 0,5 – 2cm trong có ấu trùng và dịch màu trắng. Lợn mắc bệnh này còn gọi là lợn gạo.

Đối với người bị mắc bệnh này do ăn phải trứng có ấu trùng ngoài môi trường (rau sống, nước lã, hoa quả… có nhiễm trứng sán); do ăn thịt lợn gạo chưa nấu chín. Tác hại của bệnh là khi sán trưởng thành sống ở ruột non chiếm thức ăn, gây kém hấp thu, rối loạn tiêu hóa, đau bụng, tắc ruột và nhiễm độc thần kinh.

Khi bị bệnh ấu trùng sán lợn, tùy theo vị trí của nang ấu trùng mà có tác hại và triệu chứng khác nhau: Nang ở dưới da gây sẩn ngứa; nang ở trong cơ gây đau mỏi cơ, máy giật cơ cục bộ; nang ở não gây đau đầu, buồn nôn, nôn, phù gai thị, nhìn mờ có thể bị mù, bệnh nhân có thể bị liệt, rối loạn vận động….; nang ấu trùng ở cơ tim làm tim đập nhanh, tiếng tim biến đổi, bệnh nhân có thể khó thở, ngất xỉu.

Xác định bệnh sán dây và ấu trùng sán lợn khi bệnh nhân có triệu chứng đau bụng, rối loạn tiêu hóa, đi ngoài ra các đốt sán màu trắng hoặc thấy xuất hiện những nang ở dưới da, đường kính 0,5 – 2cm, ngứa, đau mỏi cơ, cần đến cơ sở y tế để xác định ban đầu và đến Trung tâm Kiểm soát bệnh tật để được chẩn đoán, tư vấn và điều trị kịp thời. Hiện nay đã có thuốc điều trị đặc hiệu bệnh sán dây lợn, bệnh ấu trùng sán lợn.

Để phòng bệnh sán dây và ấu trùng sán lợn cần thực hiện không ăn rau sống, uống nước lã; không ăn thịt lợn chưa nấu chín; phát hiện và điều trị sớm những bệnh nhân mắc bệnh ấu trùng sán lợn, xử lý những con sán trưởng thành được tẩy; khi mua thịt lợn cần xác định những con lợn có những u cục màu trắng ở cơ, da lợn để tránh nhiễm bệnh; đề xuất với thú y, các cơ sở chăn nuôi, các lò giết mổ để xác định các con lợn bị bệnh sán dây lợn để quản lý và điều trị và vệ sinh môi trường tránh để trứng sán phát tán; không nuôi lợn thả rông…

Thực hiện Công văn số 115/UBND-VP6, ngày 25/3/2019 của UBND tỉnh về việc tuyên truyền và khám bệnh sán dây và ấu trùng sán lợn, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã chỉ đạo các Trung tâm y tế huyện, thành phố tăng cường hoạt động truyền thông giúp người dân hiểu đúng về bệnh, chủ động thực hành các biện pháp vệ sinh, an toàn thực phẩm.

Đồng thời, khuyến cáo người dân thực hiện ăn chín, uống chín, ăn các thức ăn đã được nấu chín kỹ, chế biến hợp vệ sinh; không sử dụng thịt lợn ốm để chế biến thực phẩm; không ăn thịt lợn tái, chưa nấu chín, rau sống không đảm bảo vệ sinh; xử lý phân tươi, nhất là ở những vùng có người nhiễm sán dây lợn trưởng thành; sử dụng hố xí hợp vệ sinh; không nuôi lợn thả rông; người có sán trưởng thành trong ruột phải được điều trị, không phóng uế bừa bãi.

Tại các cơ sở khám, chữa bệnh, cần chủ độngphát hiện bệnh, điều trị tích cực, kịp thời cho các trường hợp nhiễm bệnh. Phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Ninh Bình tuyên truyền cho mọi người hiểu, biết về cách phòng chống. Đề nghị với Sở Y tế cấp kinh phí để tập huấn cho cán bộ tỉnh, huyện, xã về chẩn đoán và điều trị bệnh sán dây và ấu trùng sán lợn.

Hồng Vân ( theo báo Ninh Bình)