20 năm mòn mỏi đề nghị công nhận liệt sỹ: Cục trưởng Cục Người có công nói gì?

376

Ông Đào Ngọc Lợi – Cục trưởng Cục Người có công, Bộ LĐ-TB&XH, khẳng định, trường hợp này Sở LĐ-TB&XH tỉnh Ninh Bình là đơn vị chịu trách nhiệm tập hợp hồ sơ và phải có trách nhiệm với gia đình đối tượng chính sách.

Công văn số 926 của Cục Người có công gửi Sở LĐ-TB&XH tỉnh Ninh Bình ngày 15/5/2018.

Như Infonet đã đưa tin về trường hợp của ông Đinh Thế Phiệt (sinh năm 1917 tại thôn Trung Trữ, xã Ninh Giang, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình) hy sinh trong chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954 nhưng đến nay chưa được xét công nhận là liệt sỹ.

Sau nhiều lần gửi công văn qua lại giữa các cơ quan liên quan, mặc dù Bộ Lao động – Thương binh và xã hội (LĐ-TB&XH) và Cục Người có công (Bộ LĐ-TB&XH) đều đã có công văn xác nhận trường hợp đủ điều kiện xét công nhận liệt sỹ, nhưng các con – cháu của ông Đinh Thế Phiệt nhận được văn bản số 116/LĐTBXH-NCC ngày 24/1/2019 của Sở LĐ-TB&XH tỉnh Ninh Bình yêu cầu gia đình “cung cấp bản gốc hồ sơ đề nghị công nhận liệt sỹ đối với ông Đinh Thế Phiệt để Sở có căn cứ báo cáo UBND tỉnh Ninh Bình và Bộ LĐ-TB&XH xem xét giải quyết.”

Tuy nhiên, hồ sơ gốc đã được phía gia đình cung cấp cho Sở LĐ-TB&XH tỉnh Ninh Bình từ năm 2001, đó là căn cứ để năm 2004 cơ quan này trình Bộ LĐ-TB&XH xét đề nghị xác nhận liệt sỹ cho ông Đinh Thế Phiệt.

Đến nay, Sở LĐ-TB&XH tỉnh Ninh Bình cho biết “không tìm thấy có tên, hồ sơ lưu trữ, và cũng không có bàn giao hồ sơ đề nghị công nhận liệt sỹ đối với ông Đinh Thể Phiệt từ các thế hệ cán bộ tiền nhiệm cho các cán bộ đương nhiệm về công tác người có công tại sở LĐ-TB&XH tỉnh Ninh Bình”.

Ông Đào Ngọc Lợi – Cục trưởng Cục Người có công, Bộ LĐ-TB&XH.

Trao đổi với PV Infonet về việc này, ông Đào Ngọc Lợi – Cục trưởng Cục Người có công, Bộ LĐ-TB&XH – cho biết, Cục Người có công đã gửi văn bản  cho Sở LĐ-TB&XH tỉnh Ninh Bình, văn bản này là căn cứ để địa phương hoàn thiện hồ sơ trình lên Bộ LĐ-TB&XH đề nghị thẩm định.

“Việc không tìm thấy hồ sơ gốc, họ (Sở LĐ-TB&XH tỉnh Ninh Bình – PV) phải có trách nhiệm với gia đình ông Đinh Thế Phiệt,” Cục trưởng Đào Ngọc Lợi nói. “Trách nhiệm lập hồ sơ thuộc về địa phương, người thì bảo là không có, người thì bảo nộp rồi, địa phương phải tự giải quyết chứ chúng tôi chỉ cần có hồ sơ là sẽ thẩm định.”

“Sở là đơn vị chịu trách nhiệm tập hợp hồ sơ, nếu đủ điều kiện thì Bộ sẽ giải quyết. Sở phải có trách nhiệm với gia đình” – Cục trưởng Cục Người có công, Bộ LĐ-TB&XH, chốt lại.

Trước đó, tại cuộc họp giữa Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung với Cục Người Có công vào ngày 18/2/2019 về giải quyết hồ sơ tồn đọng và nhiệm vụ năm 2019, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chỉ đạo cần tập trung cao độ, từ nay đến giao ban, từng địa phương phải báo cáo về hồ sơ tồn đọng là bao nhiêu. Đơn vị, tỉnh nào xong thì Sở LĐTB&XH tham mưu cho Chủ tịch UBND tỉnh báo cáo với Bộ trưởng, lãnh đạo Bộ là không còn hồ sơ tồn đọng là liệt sĩ, thương binh và người hưởng chính sách như thương binh. Cùng với đó, giải quyết dứt điểm các trường hợp tồn đọng, trả lời thỏa đáng cho địa phương để có căn cứ trả lời đối tượng.

Cũng trong cuộc họp này, ông Đào Ngọc Lợi cho biết: Thực hiện Thông báo số 1616/TB-LĐTBXH ngày 27/4/2018 kết luận của Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH tại Hội nghị giao ban công tác LĐTB&XH, các địa phương đã tiến hành tập hợp, rà soát, phân loại và xem xét hồ sơ. Đến nay, theo báo cáo của các địa phương, hồ sơ tồn đọng là 211 hồ sơ tại 25 tỉnh, thành phố.

Về xác nhận người có công, ông Đào Ngọc Lợi cho biết, năm 2018, Bộ LĐTB&XH đã trình Thủ tướng Chính phủ đề nghị cấp Bằng Tổ quốc ghi công đối với 444 trường hợp. Đầu năm 2019, Cục Người có công đã trình lãnh đạo Bộ xem xét đối với 241 trường hợp đề nghị xác nhận liệt sĩ. Hiện nay còn tồn đọng một số trường hợp đề nghị xác nhận liệt sĩ còn vướng mắc cần xin ý kiến lãnh đạo Bộ.

Tuân Nguyễn ( theo infonet.vn)