Ban Tiếp Công dân Trung ương (Thanh tra Chính phủ) đã gửi Công văn đến Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Đinh Văn Điến về việc chuyển đơn của công dân khiếu nại về trường hợp hy sinh trong kháng chiến chống Pháp nhưng đến nay chưa được công nhận liệt sỹ.

Theo đó, tại Công văn số 778/BTCDTW-XLĐ ngày 03/04/2019 được gửi đến Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Đinh Văn Điến, Thanh tra Chính phủ chuyển đơn của công dân khiếu nại về việc ông Đinh Thế Phiệt (sinh năm 1917 tại thôn Trung Trữ, xã Ninh Giang, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình), hy sinh trong chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954 nhưng đến nay không được công nhận liệt sỹ.
Thanh tra Chính phủ yêu cầu UBND tỉnh Ninh Bình xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật, đồng thời báo cáo kết quả đến Thanh tra Chính phủ.
Trước đó, Thanh tra Chính phủ nhận được đơn của ông Nguyễn Văn Hùng (thôn 2, xã Phú Long, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình) với nội dung đề nghị xét công nhận liệt sỹ đối với ông Đinh Thế Phiệt (ông ngoại của ông Nguyễn Văn Hùng) hy sinh trong trường hợp sốt rét ác tính khi vận chuyển vũ khí, lương thực lên mặt trận Điện Biên Phủ năm 1954.
Theo đơn và tài liệu gửi kèm, và theo nội dung trước đó Infonet đã phản ánh, UBND tỉnh Ninh Bình có văn bản số 259/UB-VP6 ngày 04/11/2004 đề nghị Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ công nhận liệt sỹ và tặng bằng “Tổ quốc ghi công” cho ông Đinh Thế Phiệt và 5 trường hợp khác.
Tuy nhiên, ông Đinh Thế Phiệt không được công nhận liệt sỹ và gia đình cũng không nhận được một lời giải thích hay hướng dẫn cụ thể từ các cấp ngành LĐ-TB&XH hay chính quyền địa phương.

Đến ngày 15/5/2018, Cục Người có công (Bộ LĐ-TB&XH) có Văn bản số 926/NCC-CS1 đề nghị Sở LĐ-TB&XH tỉnh Ninh Bình xác nhận liệt sỹ đối với ông Đinh Thế Phiệt.
Ngày 07/01/2019 Bộ LĐ-TB&XH có Văn bản số 79/LĐTBXH-NCC (Văn bản số 79) trả lời đơn của ông Nguyễn Văn Hùng, trong đó có nội dung: “Ông Đinh Thế Phiệt đủ điều kiện xác nhận liệt sỹ và đề nghị việc lập hồ sơ thực hiện theo quy định tại Thông tư liên tịch số 16/TTLT-BLĐTBXH-BCA (Thông tư 16) ngày 25/11/2008 của Liên Bộ LĐ-TB&XH, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an”.
Tuy nhiên, đến nay vụ việc vẫn chưa được xem xét giải quyết dứt điểm nên ông Nguyễn Văn Hùng đã gửi đơn đến Thanh tra Chính phủ.
Trao đổi với PV Infonet, ông Nguyễn Hồng Điệp, Trưởng Ban Tiếp công dân Trung ương, cho rằng Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH và Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình nên cho kiểm tra, thanh tra về trách nhiệm công vụ trong vụ việc này.
Theo ông Điệp, “không có sự hy sinh nào lớn lao hơn sự hy sinh xương máu. Do vậy càng cần phải làm sớm, thậm chí phải có trách nhiệm làm cho người ta chứ không phải yêu cầu gia đình người ta làm.”
“Nếu thực sự những cán bộ có tâm thì đừng ngồi một chỗ yêu cầu người dân đi làm thủ tục này nọ nữa, hãy trực tiếp đi làm cùng với họ. Đấy mới là hành động cụ thể, thiết thực nhất đối với người có công,” Trưởng Ban Tiếp công dân Trung ương nói.
Tuân Nguyễn ( theo infonet.vn)