Trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật là một nội dung quan trọng trong Đề án trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2012-2020 của Thủ tướng Chính phủ, mở ra cơ hội cho người khuyết tật được tiếp cận các dịch vụ trợ giúp pháp luật miễn phí. Với sự đổi mới, đa dạng hình thức trong công tác trợ giúp pháp lý, các chính sách, pháp luật của Nhà nước về người khuyết tật đã từng bước đi vào cuộc sống, tạo điều kiện để người khuyết tật hòa nhập với cộng đồng, đóng góp sức mình cho sự phát triển của xã hội…

Chị Phạm Thị Hà, Chủ nhiệm CLB nữ khuyết tật tỉnh Ninh Bình cho biết, bản thân người khuyết tật được hưởng những quyền lợi và có những nghĩa vụ gì chưa hẳn họ và ngay cả những người thân khác trong gia đình đã nắm được hết. Bởi vậy, được tham gia vào những buổi trợ giúp pháp lý thực sự là một cơ hội tốt để người khuyết tật có thể gỡ rối những thắc mắc trong cuộc sống thông qua hình thức hỏi – đáp trực tiếp với các ngành có liên quan.
Qua những buổi trợ giúp pháp lý lưu động, người khuyết tật không những có cơ hội nắm bắt đầy đủ, được giải đáp các thắc mắc về pháp luật, mà với những kiến thức được lĩnh hội, họ cũng sẽ là những tuyên truyền viên pháp luật cho cộng đồng…
Hiểu đúng tầm quan trọng của các buổi trợ giúp pháp lý, từ nhiều năm nay, chị Hà luôn vận động hội viên trong CLB nói riêng, người khuyết tật nói chung tích cực tham gia vào các buổi trợ giúp pháp lý, qua đó từng bước nâng cao ý thức, nhận thức về pháp luật cho người khuyết tật.
Bà Nam Thị Tơ, năm nay 57 tuổi, là trưởng nhóm người khuyết tật của xã Đông Sơn (thành phố Tam Điệp), gồm 7 người là nữ. Bà Tơ cho biết, do là nữ khuyết tật nên các hội viên của nhóm đều mặc cảm, tự ti, nhiều hội viên thậm chí rất ít ra khỏi nhà.
Bản thân là một người khuyết tật, tôi thấy hạn chế lớn nhất khiến người khuyết tật chưa dám mạnh dạn vươn lên hòa nhập cộng đồng chính là do họ có rất ít những kiến thức về xã hội, pháp luật. Được sự quan tâm của các ngành chức năng, thời gian qua, chúng tôi được tham gia nhiều vào các buổi trợ giúp pháp lý, nên tình trạng này được cải thiện dần.
“Đây thực sự là hoạt động có ý nghĩa với những người không may bị khuyết tật. Bản thân tôi dù rất quan tâm tới những chính sách của Nhà nước nhưng không có điều kiện để nắm bắt đầy đủ. Tôi rất vui và thêm lạc quan vì người khuyết tật được hưởng các quyền lợi bình đẳng như người bình thường khác”– Bà Tơ nói.

Với vốn kiến thức, sự hiểu biết… đã tạo thêm cho người khuyết tật sự tự tin trong cuộc sống. Thời gian qua, nhóm khuyết tật của bà Tơ rất năng động, tích cực trong việc tìm tòi, đưa về những nghề phù hợp với tình trạng sức khỏe, tay nghề của hội viên, nhờ vậy các hội viên đều có thể tự kiếm sống bằng thu nhập của chính mình.
Hiện nay, toàn tỉnh có trên 24 nghìn người khuyết tật. Khảo sát cho thấy, nhìn chung người khuyết tật đều gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống, sinh hoạt, thậm chí sống gần như phụ thuộc vào sự chăm sóc của người thân, chỉ ít người có thể tự chủ về kinh tế để xây dựng, chăm lo cho cuộc sống của chính mình.
Nhằm tạo “lực đẩy” giúp người khuyết tật thêm tự tin để từng bước vươn lên hòa nhập cộng đồng, thời gian qua, Hội Người Khuyết tật tỉnh rất chú trọng đến hoạt động dạy nghề, tạo việc làm, tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, tổ chức các sự kiện giao lưu cho người khuyết tật.
Tuy nhiên, theo ông Phạm Hữu Chính, Chủ tịch Hội Người khuyết tật tỉnh, một trong những hoạt động thiết thực, hiệu quả nhất chính là hoạt động trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật.
Nếu như trước đây, để tập hợp được người khuyết tật, nhất là những người ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn đến tham gia một buổi trợ giúp pháp lý rất khó khăn, thì hiện nay, người khuyết tật rất hưởng ứng, thậm chí có kiến nghị nên mở thêm nhiều buổi trợ giúp pháp lý.
Có những trường hợp khuyết tật vận động, với đôi chân tập tễnh đi lại rất khó nhọc nhưng họ vẫn cố gắng đến dự để nhận được sự hỗ trợ trực tiếp của các trợ giúp viên của Trung tâm trợ giúp pháp lý và Hội Luật gia tỉnh…
Để đáp ứng được sự kỳ vọng của người khuyết tật, công tác trợ giúp pháp lý cũng không ngừng được nâng cao về chất lượng và phong phú trong hình thức truyền tải để phù hợp với khả năng nhận thức của nhiều đối tượng người khuyết tật.
Theo đó, trong mỗi buổi trợ giúp pháp lý, các trợ giúp viên pháp lý thông tin các quy định cơ bản về Luật Người khuyết tật, những văn bản liên quan đến quyền và nghĩa vụ của người khuyết tật, đồng thời được tư vấn pháp luật miễn phí. Người khuyết tật có cơ hội chia sẻ những khó khăn, vướng mắc trong cuộc sống với các đồng đẳng viên.
Những câu hỏi được người khuyết tật đưa ra chủ yếu xoay quanh vấn đề chính sách ưu đãi vốn, bảo đảm việc làm, quyền được học tập, bảo trợ xã hội, quy định pháp luật về hôn nhân… Phần lớn các thắc mắc đều được trả lời tại chỗ, với những câu hỏi khó hơn của người khuyết tật được Trung tâm Trợ giúp pháp lý tỉnh sắp xếp buổi tư vấn riêng.
Ông Phạm Hữu Chính, Chủ tịch Hội Người khuyết tật tỉnh cho biết thêm, thời gian tới, Hội Người khuyết tật tỉnh sẽ tiếp tục phối hợp với các ngành chức năng tổ chức nhiều đợt trợ giúp pháp lý lưu động, đồng thời đa dạng hóa và nâng cao hiệu quả các hoạt động trợ giúp pháp lý tới các địa phương.
Ngoài ra, sẽ thành lập các câu lạc bộ để việc trợ giúp pháp lý thực sự giúp những người khuyết tật chủ động tháo gỡ, giải quyết những vướng mắc trong cuộc sống thường nhật. Với sự hiểu biết về pháp luật thì bất kỳ người khuyết tật nào cũng sẽ tự tin để hòa nhập cộng đồng”.
Nguyễn Hùng ( theo báo Ninh Bình)