Trước thông tin dịch tả lợn châu Phi đang lan rộng ra nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước, trong đó Ninh Bình cũng đã xuất hiện ổ dịch tại xã Ninh Khang (Hoa Lư), khiến không ít người nội trợ băn khoăn, e ngại. Tuy nhiên, nhờ được thông tin, tuyên truyền, nắm rõ dịch tả lợn châu Phi không lây sang người, nên thị trường thịt lợn tuy có giảm nhưng chỉ giảm chút ít so với trước thời điểm trước khi có dịch, hầu hết người tiêu dùng không tẩy chay thịt lợn.

Bà Nguyễn Thị Thoa, phố Phú Sơn, phường Nam Bình (thành phố Ninh Bình), cho biết, hàng ngày, bà đều đi chợ mua thực phẩm về chế biến cho gia đình nên luôn chú trọng chọn mua thực phẩm tươi, sạch; trong đó thịt lợn là thực phẩm chính vì chế biến được nhiều món ăn ngon, giá thành lại rẻ. Để bảo đảm an toàn thực phẩm, bà thường mua tại một điểm kinh doanh thực phẩm được cấp giấy chứng nhận an toàn gần chợ.
Theo bà Thoa, người tiêu dùng cần bình tĩnh, thực hiện theo hướng dẫn của cơ quan chức năng, lắng nghe những thông tin chính thống từ các phương tiện truyền thông thay vì các thông tin không được kiểm chứng trên mạng xã hội để rồi lo lắng quá mức. Các cơ quan chức năng đã tăng cường công tác kiểm soát, phòng chống bệnh dịch, ngăn chặn tình trạng người dân chuyển lợn từ vùng có bệnh dịch ra ngoài bán nên có thể yên tâm, nhất là khi đã chọn mua thực phẩm đã được kiểm dịch, biết rõ nguồn gốc…
Chị Đinh Thị Thúy, người bán thịt tại chợ phường Thanh Bình cho biết, do giá lợn thịt lấy từ cơ sở chế biến không có biến động nhiều nên những hàng thịt trong chợ vẫn giữ giá bán lẻ từ sau Tết Nguyên đán đến nay. Hàng chục người kinh doanh thịt hơn trong chợ đều biết dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện tại tỉnh, nhưng nguồn lợn thịt hầu hết được đảm bảo, do các hộ mua lợn khỏe mạnh, của người quen về mổ bán và lượng thịt lấy tại các cơ sở cung cấp thịt cũng cam kết được đảm bảo, nên số lượng và giá cả lợn thịt hầu như không giảm.
Hơn nữa, hiện nay, người tiêu dùng cũng thông thái, coi trọng uy tín và chất lượng sản phẩm, mỗi quầy hàng lại có số khách quen cố định, nên không dại gì người kinh doanh và cơ sở chế biến thịt lợn nào hám lợi dám thu mua, nhập lợn mắc dịch về giết mổ để cung cấp ra thị trường…
Đối với những người tiêu dùng cẩn trọng hơn thì khi có thông tin dịch tả lợn châu Phi, họ chọn các cửa hàng thực phẩm sạch, siêu thị để mua. Chị Nguyễn Hoàng Hoa, phường Tân Thành (thành phố Ninh Bình) cho biết, trước thông tin dịch tả lợn đã xuất hiện tại tỉnh và nhiều tỉnh giáp với Ninh Bình nên tôi cũng có chút băn khoăn.
Nhà toàn các con đang tuổi ăn, lại thích ăn món thịt lợn, nên tôi chọn mua thịt đã được kiểm dịch tại các cửa hàng thực phẩm sạch, siêu thị, không dám mua ở chợ vì lo ngại có thể có thịt lợn trôi nổi, không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Tại các siêu thị, cửa hàng sạch thậm chí số lượng thịt còn ít, giá cả còn nhỉnh hơn trước, nguyên nhân được người bán hàng giải thích rằng, một lượng lợn mắc bệnh đã bị tiêu hủy, nên số lợn còn lại là lợn khỏe mạnh, không mắc bệnh, do đó được bán với giá cao hơn…
Theo bác sĩ Lê Hoàng Nam, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, không giống như cúm lợn, bệnh tả lợn châu Phi tuy được xếp vào loại bệnh nguy hiểm bởi nguyên nhân gây bệnh từ vi rút, cơ chế lây bệnh nhanh chóng và qua nhiều đường truyền khác nhau, nhưng dịch tả lợn châu Phi không lây lan sang người và không có mối đe dọa trực tiếp nào đối với sức khỏe con người. Đây chỉ là bệnh nhiễm trùng đường tiêu hóa do vi khuẩn, do đó, người tiêu dùng không nên lo sợ mà tẩy chay sản phẩm thịt lợn an toàn, không bị bệnh dịch và được chế biến hợp vệ sinh.
Về nguyên tắc, tất cả các loại thịt gia súc, gia cầm, thủy hải sản mắc bệnh đều phải tiêu hủy để tránh gây bệnh. Người dân nên mua các sản phẩm được chế biến từ thịt lợn có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, đặc biệt là phải nấu chín kỹ thịt trước khi dùng. Bởi lẽ, vi rút ASFV gây bệnh dịch tả lợn châu Phi chịu nhiệt kém, tồn tại được 3 giờ khi nấu ở nhiệt độ 50 độ C, 20 phút trong nhiệt độ 60 độ C, 2 phút trong nhiệt độ 90 độ C và bị tiêu diệt dưới 1 phút khi đun sôi ở nhiệt độ 100 độ C.
Ngành Y tế khuyến cáo, người tiêu dùng cần có sự lựa chọn thông minh khi mua thịt lợn, nên mua tại các địa chỉ tin cậy như siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch, các quầy hàng tại chợ đã được cơ quan thú y kiểm định an toàn; không nên mua thịt giá rẻ, thịt bán dạo không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Tuyệt đối không mua thịt có màu lạ như: Nâu, xám, đỏ thâm, xanh nhạt, nếu chạm tay thấy chảy nhớt thì đó là thịt ôi hoặc đã mắc bệnh.
Đồng thời cần biết cách chế biến hợp vệ sinh, rửa sạch, nấu chín, không để thức ăn ôi thiu, không nên ăn tiết canh lợn… bởi lợn bị tả có thể mắc thêm các loại bệnh nguy hiểm khác như tai xanh, cúm, thương hàn…, những bệnh này có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe con người.
Bài, ảnh: Mỹ Hạnh ( báo Ninh Bình)