Chiều 8/5, đồng chí Phạm Quang Ngọc, UVBTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã đi kiểm tra công tác phòng, chống dịch tả lợn Châu Phi tại 2 huyện Gia Viễn và Yên Mô.
Tại buổi kiểm tra, lãnh đạo các huyện đã báo cáo về tình hình diễn biến dịch bệnh tại địa phương. Theo đó, hiện nay trên địa bàn huyện Gia Viễn đã có tới 16/21 xã, huyện Yên Mô có 6/17 xã với 134 hộ có gần 1500 con lợn bị ốm chết có kết quả xét nghiệm dương tính với dịch tả lợn Châu phi phải tiêu hủy toàn bộ với trọng lượng khoảng 64 tấn.
Trước tình hình trên, UBND các huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn tổ chức huy động lực lượng tiêu hủy ngay những con lợn bị chết, hướng dẫn hộ chăn nuôi thực hiện vệ sinh, khử trùng, tiêu độc chuồng trại, khu vực chăn nuôi hàng ngày, không được bán chạy, giết mổ, vứt xác lợn chết ra môi trường xung quanh. Mỗi xã có dịch bố trí thành lập các chốt kiểm dịch động vật tạm thời.
Tuy nhiên, trong quá trình phòng dịch các địa phương cũng còn gặp không ít khó khăn do hầu hết các xã có dịch địa bàn rộng, các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán, lối ra vào vùng dịch nhiều nên rất khó kiểm soát. Kinh phí phục vụ chống dịch còn khó khăn. Chính vì vậy các địa phương đều mong muốn tỉnh tăng cường hỗ trợ lực lượng, cơ quan giám sát để hướng dẫn cơ sở khoanh vùng dập dịch.
Sau khi kiểm tra thực tế và lắng nghe đề xuất của các địa phương, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Quang Ngọc đã đánh giá cao tinh thần phòng, chống dịch của các địa phương, từ đó đã khống chế, khoanh vùng kịp thời, hạn chế sự lây lan của dịch.
Đồng chí Phạm Quang Ngọc đề nghị các địa phương trên địa bàn 2 huyện Gia Viễn và Yên Mô cần tiếp tục tập trung cao cho công tác phòng, chống dịch. Theo đó chủ động nắm chắc số con lợn đã tiêu hủy, đồng thời thực hiện đúng các quy trình tiêu độc khử trùng theo đúng tiêu chí 5 không, đó là “Không giấu dịch; không mua bán, vận chuyển lợn bệnh, lợn chết; không giết mổ, tiêu thụ lợn bệnh, lợn chết; không vứt lợn ốm, lợn chết ra môi trường; không sử dụng thức ăn thừa chưa xử lý nhiệt làm thức ăn cho lợn” và triển khai 4 tại chỗ: Chỉ đạo tại chỗ, nhân lực tại chỗ, vật lực, phương tiện tại chỗ trong phòng chống dịch.
Phải nêu cao trách nhiệm của từng người dân, từng gia đình và cả xã hội trong việc phòng chống dịch. Đặc biệt trong quá trình thống kê số lượng con, cân nặng phải đảm bảo chính xác, công khai, minh bạch trước nhân dân. Sau khi chôn lấp cần lưu lại hồ sơ, vị trí, địa điểm, diện tích cụ thể để phòng chống ô nhiễm về sau này; báo cáo kịp thời về Ban chỉ đạo phòng chống dịch của tỉnh những thông tin thất thiệt gây hoang mang cho nhân dân để có biện pháp xử lý kịp thời.
Theo Như Quỳnh (nbtv.vn)