Ngày 19/5, đoàn công tác của tỉnh do đồng chí Phạm Quang Ngọc, TVTU, Phó Chủ tịch UBND tỉnh dẫn đầu đã đi kiểm tra công tác phòng, chống dịch tả lợn châu Phi tại thành phố Tam Điệp và huyện Nho Quan. Tham gia đoàn có đại diện lãnh đạo Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Sở Công thương, Tài chính, Tài nguyên môi trường, Y tế và Cục Quản lý thị trường.

Thành phố Tam Điệp có 9/9 phường, xã có chăn nuôi lợn, tổng đàn là hơn 19.000 con. Trước khi có dịch xảy ra, UBND thành phố đã chỉ đạo các phường, xã thực hiện nghiêm chỉ đạo, kế hoạch của Trung ương, của tỉnh và chủ động trong phòng chống dịch. Thành phố đã cấp 21 tấn vôi và phân phối hơn 3.700 lít hóa chất cho 9 phường, xã để tiến hành công tác tiêu độc khử trùng chuồng trại, ngăn ngừa mầm bệnh cho đàn vật nuôi.
Đến ngày 14/5, nhận được tin báo có 2 hộ nuôi lợn rừng tại thôn 12 xã Đông Sơn có hiện tượng lợn ốm chết, các cơ quan chức năng của huyện đã xuống lấy mẫu, gửi đi xét nghiệm, cho kết quả dương tính với bệnh tả lợn châu Phi. Đến ngày 17/5/2019, tiếp tục có 2 hộ ở thôn Yên Phong và thôn Khánh Ninh, xã Yên Sơn trình báo nghi lợn mắc bệnh, tổng đàn khoảng 1.200 con. Trạm chăn nuôi và thú y thành phố Tam Điệp đã lấy mẫu gửi xét nghiệm. Sau 1 ngày, kết quả thông báo dương tính. Hiện nay, thành phố Tam Điệp đang gấp rút chỉ đạo các ngành chức năng, hướng dẫn 2 hộ kể trên tiêu hủy số lợn mắc bệnh.
Đoàn công tác đã đến kiểm tra địa điểm tiêu hủy lợn mắc bệnh của thành phố Tam Điệp tại thôn Yên Phong, xã Yên Sơn.
Tại buổi làm việc với thành phố Tam Điệp, đồng chí Phạm Quang Ngọc, TVTU, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá cao sự chủ động của các cấp chính quyền thành phố Tam Điệp trong việc phòng, chống dịch tả lợn châu Phi. Đồng chí nhấn mạnh, thành phố Tam Điệp có nhiều trang trại quy mô lớn, vì vậy việc chủ động phòng chống dịch bệnh tả lợn châu Phi là rất cần thiết và cấp bách.
Những việc làm cần triển khai ngay lúc này là tiêu hủy triệt để số lợn đã mắc bệnh theo đúng quy trình, đảm bảo vệ sinh môi trường. Thành phố cần sớm hoàn thành kịch bản ứng phó với dịch tả lợn châu Phi, gửi về Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn để tổng hợp, nghiên cứu, xây dựng kịch bản chung cho toàn tỉnh.

Thành phố tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các hộ chăn nuôi trong việc chăm sóc, phòng bệnh cho đàn lợn; giải thích rõ về chính sách hỗ trợ của Nhà nước, giá hỗ trợ tiêu hủy lợn để nhân dân yên tâm sản xuất.
Theo báo cáo của huyện Nho Quan, ngay từ tháng 2/2019, khi dịch bệnh trên đàn lợn xuất hiện tại các tỉnh lân cận như Hòa Bình, Thanh Hóa… huyện Nho Quan đã chủ động thành lập 6 chốt kiểm dịch động vật cấp huyện. Ngày 1/4/2019, nhận được báo cáo của hộ dân tại thôn Ngải, xã Văn Phong về việc đàn lợn của gia đình bị ốm, chết nghi mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi. UBND huyện đã chỉ đạo Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện phối hợp với UBND xã Văn Phong tổ chức lấy mẫu bệnh phẩm gửi xét nghiệm. Đồng thời chỉ đạo các lực lượng chức năng phối hợp với hộ chăn nuôi tổ chức tiêu hủy số lợn đã chết.
Đến ngày 3/4, Chi cục Thú y vùng I có kết quả xác định 3 mẫu bệnh phẩm lợn của hộ gia đình kể trên dương tính với bệnh dịch tả lợn châu Phi. Ngay sau khi có kết quả, UBND huyện Nho Quan đã công bố dịch đồng thời triển khai đồng bộ các giải pháp khoanh vùng có dịch, tiêu độc khử trùng khu vực lân cận. Đến đầu tháng 5/2019, huyện Nho Quan đã công bố hết dịch.
Tuy nhiên, đến nay dịch tả lợn châu Phi lại bùng phát và lây lan nhanh trên địa bàn huyện Nho Quan. Tính đến ngày 19/5, đã có 13 xã có dịch tả lợn châu Phi và 1 xã có dịch lợn tai xanh. Huyện đã tiêu hủy gần 1.100 con với tổng trọng lượng khoảng 76.000kg. Công tác tiêu hủy được xử lý tập trung, tuân thủ nghiêm quy định kỹ thuật.
Trong buổi làm việc tại huyện Nho Quan, đoàn công tác đã trực tiếp xuống kiểm tra tại xã Phú Lộc.
Kết luận tại buổi làm việc, đồng chí Phạm Quang Ngọc, TVTU, Phó Chủ tịch UBND tỉnh ghi nhận sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của huyện Nho Quan trong công tác phòng, chống dịch bệnh trên đàn lợn. Huyện Nho Quan có tổng đàn lợn lớn, gần 120.000 con, nhiều trang trại, gia trại quy mô lớn. Vì vậy đồng chí Phó Chủ tịch UBND yêu cầu huyện Nho Quan tiếp tục chú trọng công tác phòng chống dịch, triển khai các biện pháp khoanh vùng, kìm chế dịch, không để dịch bệnh lây lan.
Đồng chí yêu cầu huyện Nho Quan phối hợp với chủ trang trại để xây dựng kịch bản ứng phó một cách cụ thể cho từng địa phương, cho huyện và gửi về Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn. Tuân thủ nghiêm các quy định trong việc tiêu hủy lợn mắc bệnh.
Đồng chí cũng yêu cầu Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn nghiên cứu, tìm kiếm và lựa chọn một số loại chế phẩm sinh học để hỗ trợ quá trình tiêu hủy, đảm bảo vệ sinh môi trường. Sở Y tế tăng cường hỗ trợ và phối hợp với các địa phương trong công tác phòng chống dịch, tổ chức hướng dẫn cách phòng tránh dịch bệnh trên người có thể phát sinh.
Cục Quản lý thị trường tăng cường lực lượng, kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển lợn trên khâu lưu thông. Đồng chí cũng yêu cầu Sở Công thương và Tài chính nghiên cứu, tham mưu cho UBND tỉnh về việc điều chỉnh giá hỗ trợ tiêu hủy lợn mắc dịch.
Các ngành, địa phương cần tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, giải thích cho người dân hiểu rõ về sự nguy hiểm của bệnh tả lợn châu Phi, về các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, tuyệt đối không được giấu dịch bệnh trên đàn vật nuôi.
Thái Học – Minh Đường ( theo báo Ninh Bình)