Tỉnh Ninh Bình là địa phương thứ 11 công bố dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) trong tổng số 19 tỉnh thành đã có dịch, tính đến ngày 18/3/2019. Cùng với các ngành, địa phương trong tỉnh, Cục Quản lý thị trường tỉnh đã có nhiều biện pháp chủ động tham gia phòng, chống DTLCP.

Ông Bùi Văn Quý, Quyền Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh cho biết: Thực hiện các văn Bản chỉ đạo của Bộ Công thương, Tổng cục Quản lý thị trường và UBND tỉnh Ninh Bình, Cục Quản lý thị trường Ninh Bình đã chủ động, tích cực chỉ đạo toàn bộ lực lượng tham gia công tác phòng, chống dịch tại địa phương.
Cụ thể, từ ngày 3/10/2018 đến ngày 18/3/2019 Cục đã ban hành 5 văn bản chỉ đạo về việc tăng cường kiểm tra, kiểm soát hoạt động vận chuyển, buôn bán nông sản, thịt lợn và sản phẩm thịt lợn trái phép; về việc tăng cường phòng, chống và ngăn chặn sự lây lan dịch tả lợn châu Phi…
Hiện nay, toàn tỉnh thành lập 18 chốt kiểm dịch động vật, gồm 3 chốt do UBND tỉnh thành lập (chốt cầu Khuất tại xã Gia Thanh, huyện Gia Viễn; chốt cầu Non Nước tại phường Đông Thành, thành phố Ninh Bình; chốt Dốc Xây, phường Nam Sơn, thành phố Tam Điệp), 11 chốt do UBND các huyện thành lập; 4 chốt kiểm dịch cấp xã.
Tuy số lượng biên chế còn mỏng, trong điều kiện vẫn phải tiếp tục duy trì các hoạt động kiểm tra, kiểm soát theo kế hoạch đã được phê duyệt, lực lượng Quản lý thị trường đã tích cực, trách nhiệm tham gia công tác phòng, chống DTLCP tại các chốt.
Trên tổng số 18 chốt kiểm dịch trên địa bàn tỉnh, Cục Quản lý thị trường tỉnh đã tham gia 3/3 chốt kiểm dịch cấp tỉnh, 6/11 chốt kiểm dịch cấp huyện và 2 Đoàn kiểm tra lưu động. Tổng số cán bộ tham gia trực tiếp tại các chốt kiểm dịch là 19 người.
Các chốt kiểm dịch thực hiện chế độ trực luân phiên, đảm bảo trực 24/24h. Để chủ động theo dõi, nắm tình hình dịch bệnh diễn ra trên địa bàn, Cục Quản lý thị trường đã yêu cầu các Đội Quản lý thị trường thường xuyên nắm bắt tình hình tại địa phương, kịp thời báo cáo về Cục khi có bất thường; yêu cầu cán bộ trực tại các chốt, kịp thời tổng hợp, báo cáo tình hình tại chốt theo chế độ báo cáo ngày.
Tính đến ngày 18/3/2019, tại 3 chốt kiểm dịch do tỉnh thành lập đã kiểm tra 74 phương tiện chở gia súc, gia cầm; trong đó có 72 phương tiện có giấy kiểm dịch, đã tiến hành phun khử trùng và tiêu độc khi qua chốt; 1 phương tiện không có giấy kiểm dịch và 1 phương tiện không chấp hành hiệu lệnh dừng xe của lực lượng chức năng. Các phương tiện chở tổng số 36.750 con gia súc, gia cầm, trong đó có 11.498 con lợn, 1.927 con trâu/bò, 120 con dê và 23.205 con vịt, gà.
Theo thống kê, toàn tỉnh có trên 350.000 con lợn, chủ yếu được nuôi tại các trang trại và các hộ gia đình. Qua khảo sát tình hình thị trường, giá lợn hơi trước khi có dịch dao động khoảng 45.000 – 50.000 đồng/kg nhưng hiện tại giảm xuống còn khoảng 34.000 đồng/kg; lượng thịt lợn tại các lò mổ cũng giảm mạnh, có điểm giảm trên 50% so với trước khi có dịch.
Tại các siêu thị và các chợ trung tâm, thịt lợn và các sản phẩm từ thịt lợn (giò, chả, xúc xích) sản lượng bán ra giảm mạnh so với trước khi có dịch do tâm lý e ngại của người tiêu dùng. Lực lượng Quản lý thị trường đã triển khai các biện pháp nghiệp vụ, tăng cường thu thập thông tin, nắm tình hình, chủ động phối hợp với các ngành, lực lượng chức năng kiểm tra, kiểm soát tại các đầu mối giao thông, các điểm thu gom, tập kết, trung chuyển thịt gia súc, gia cầm nói chung, lợn và các sản phẩm từ thịt lợn nói riêng nhằm phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi kinh doanh lợn, các sản phẩm từ lợn không rõ nguồn gốc, chưa qua kiểm dịch, vận chuyển thịt lợn mắc bệnh xuất phát từ vùng dịch không có Giấy chứng nhận kiểm dịch của cơ quan Thú y.
Tính từ ngày 27/11/2018 đến nay, Cục Quản lý thị trường tỉnh đã kiểm tra 26 vụ, xử lý 3 vụ, phạt tiền 18 triệu đồng về các hành vi kinh doanh thực phẩm tươi sống có nguồn gốc động vật trên cạn (thịt lợn, nầm lợn) bị biến đổi màu sắc, mùi vị; sử dụng nguyên liệu (thịt lợn) không rõ nguồn gốc, xuất xứ; buộc tiêu hủy 269,5 kg thịt lợn, nầm lợn có trị giá 13.665.000 đồng.
Với phương châm “Chống dịch như chống giặc”, lực lượng quản lý thị trường tỉnh đã và đang phối hợp cùng với các ngành và địa phương chủ động, tích cực tham gia phòng, chống DTLCP trên địa bàn. Điều ghi nhận là đã qua 12 ngày kể từ khi phát hiện ổ dịch tại huyện Hoa Lư, đến nay Ninh Bình chưa phát sinh ổ dịch mới.
Đinh Chúc – Minh Đường ( theo báo Ninh Bình)