Nhằm giúp một số địa phương trong tỉnh còn nhiều khó khăn khi xây dựng nông thôn mới, Tỉnh ủy Ninh Bình phân công 55 cơ quan, đơn vị cấp tỉnh phụ trách, 56 doanh nghiệp kết nghĩa với 55 xã có tính chất đặc thù. Thực hiện phương châm “xã là chính, cơ quan, đơn vị phụ trách là quan trọng, doanh nghiệp kết nghĩa là cần thiết”, từ năm 2016 đến nay, các đơn vị được phân công đã hỗ trợ, giúp đỡ các xã kết nghĩa xây dựng hệ thống chính trị; cơ sở hạ tầng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi có giá trị cao; xây dựng nếp sống văn hóa ở khu dân cư… với tổng vốn huy động hơn 50 tỷ đồng. Hiện có 23 xã đặc thù vươn lên phát triển toàn diện và về đích nông thôn mới, nâng tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới toàn tỉnh lên 90 trong số 119 xã.

Ðể thực hiện có hiệu quả việc phân công phụ trách, kết nghĩa nêu trên, tỉnh tiếp tục chỉ đạo các cấp ủy, các ngành khắc phục những bất cập, hạn chế trong quá trình triển khai, coi việc được phân công phụ trách là trọng tâm công tác. Các cơ quan, đơn vị nêu cao vai trò, trách nhiệm của đồng chí thủ trưởng và phải chịu trách nhiệm trước Ban Thường vụ Tỉnh ủy về kết quả thực hiện; tiếp tục phân công cán bộ có năng lực, kinh nghiệm thường xuyên xuống xã đặc thù để nắm tình hình; hướng dẫn việc nâng cao năng lực lãnh đạo của đảng ủy xã và chất lượng sinh hoạt các chi bộ trực thuộc. Các doanh nghiệp kết nghĩa nêu cao tinh thần trách nhiệm, khắc phục khó khăn để tham gia tư vấn, giúp đỡ các xã đặc thù, trong đó cần quan tâm tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho lao động địa phương.
★ Ðể thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 38/2004/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng tiếng dân tộc thiểu số đối với cán bộ, công chức công tác ở vùng dân tộc, miền núi, năm 2019, tỉnh Ninh Thuận tiếp tục mở các lớp đào tạo tiếng dân tộc Ra Glai và một số tiếng dân tộc bản địa cho cán bộ, công chức, viên chức. Theo đó, tỉnh Ninh Thuận đã biên soạn tài liệu và mở lớp đào tạo tiếng dân tộc Ra Glai cho cán bộ, công chức, viên chức đang công tác ở các địa phương có đông đồng bào dân tộc Ra Glai sinh sống. Ninh Thuận hiện có hơn 72.200 người là đồng bào dân tộc Ra Glai, sinh sống chủ yếu ở các huyện Bác Ái, Ninh Sơn, Thuận Bắc, Ninh Hải và Thuận Nam. Từ tháng 5-2018 đến nay, tỉnh đã đào tạo cho 40 học viên là cán bộ, công chức, viên chức. Ðể bảo đảm chất lượng đào tạo, giảng viên là người Ra Glai có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm. Tài liệu giảng dạy đã được UBND tỉnh Ninh Thuận ban hành, được thiết kế với 10 chủ đề, bao gồm 38 bài học bằng song ngữ Ra Glai – Việt dựa theo quy định của Bộ Giáo dục và Ðào tạo với thời lượng học tập 450 tiết. Trong đó, 280 tiết lý thuyết, 170 tiết thực hành luyện nghe, nói và ôn tập kiểm tra cấp chứng chỉ.
Tỉnh yêu cầu các cán bộ, công chức, viên chức công tác trong lĩnh vực dân vận, tôn giáo, quản lý dân cư, an ninh, quốc phòng, sau khi hoàn thành các khóa học nâng cao hiệu quả công tác, góp phần tích cực vào công tác tuyên truyền các chủ trương của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước ở vùng đồng bào dân tộc, miền núi.