Thầy giáo xây dựng mô hình nuôi tảo xoắn

789

Là giáo viên dạy Toán của một trường THCS tại thành phố Tam Điệp, nhưng lại say mê với những ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, thầy giáo Nguyễn Văn Biên đã mạnh dạn đầu tư nghiên cứu và xây dựng thành công mô hình nuôi trồng đầu tiên trên địa bàn tỉnh.

Ảnh minh họa/ Internet

Ngôi nhà riêng của anh Nguyễn Văn Biên, ở thôn 3, xã Đông Sơn hằng ngày có đông người dân, bạn bè, đồng nghiệp trực tiếp đến hỏi mua sản phẩm tảo tươi được bảo quản dạng viên đóng đá, có thể dùng ngay khi pha với nước, như thế đảm bảo được nguyên chất dinh dưỡng. Chia sẻ về lợi ích của tảo xoắn tươi, anh Nguyễn Văn Biên cho biết: Tảo xoắn Spirulina là một loại vi tảo trong thiên nhiên, màu xanh lam, có dạng xoắn hình lò xo (nên có tên gọi là tảo xoắn). Loài tảo này sống trong môi trường nước giàu chất kiềm và khoáng chất. Đặc biệt, tỷ lệ giữa 3 thành phần: đạm, đường, chất béo rất phù hợp cho tiến trình phát triển của cơ thể. Ưu điểm của tảo Spirulina là có thành phần dinh dưỡng toàn diện. Một người dùng 5 gam tảo/ngày là đủ các chất thiết yếu. Tảo được dùng để bào chế thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng rất tốt cho sức khỏe và hiện đang được sử dụng nhiều trên thế giới. “Trước kia gia đình tôi hay sử dụng tảo xoắn dạng khô viên nén của Nhật Bản. ở nước ta tảo xoắn bắt đầu được chú ý nhưng tỷ lệ ngoại nhập vẫn chiếm trên 70% và giá cả còn đắt đỏ.

Do đó, sau quá trình sử dụng nhận thấy công dụng của loài tảo này rất tốt cho sức khỏe, hỗ trợ cho mọi lứa tuổi như trẻ nhỏ, người cao tuổi nên tôi đã nảy ra ý định nuôi trồng giống tảo này. Tôi đã tìm hiểu loài tảo xoắn qua sách vở, qua mạng Internet và nghiên cứu về cách trồng và chăm sóc. Sau nhiều năm ấp ủ, đầu năm 2017, tôi đã bắt đầu triển khai xây dựng mô hình nuôi tảo xoắn này với số tiền 180 triệu đồng để làm trên 50m2 nhà kính và mua các trang thiết bị như bể nuôi, hệ thống sục khí, các trang thiết bị cần thiết phục vụ việc nuôi tảo. Tuy nhiên, khi bắt tay vào nuôi tảo không dễ dàng và đã thất bại vài lần do chưa nắm hết kỹ thuật nuôi, việc áp dụng nuôi tảo ở nước ta khác với nuôi tảo ở các nước ngoài. Không nản lòng trước những lần thất bại, tôi lại tiếp tục mày mò, thử nghiệm. Sau nhiều thử nghiệm, giống tảo xoắn Spirulina hiện đã phát triển thành công và bắt đầu cho thu hoạch” –Anh Biên vui vẻ cho biết.

Tảo xoắn từ khi bắt đầu thả nuôi đến lúc thu hoạch là khoảng 20 ngày. Quy trình sản xuất tảo xoắn phải đảm bảo các yêu cầu nghiêm ngặt về vệ sinh môi trường. Điều kiện khi sản xuất giống tảo đòi hỏi phải được vô trùng. Các thiết bị, chai, lọ nuôi cấy giống phải được thực hiện theo quy trình hấp sấy, tiệt trùng nghiêm ngặt bằng các tủ sấy hiện đại, nồi áp suất, tia cực tím, tủ cấy vi sinh. Hiện nay, với diện tích 50 m2, anh Nguyễn Văn Biên bố trí nuôi trong 200 bể, mỗi bế chứa khoảng 50 lít tảo xoắn. Dù mới được đưa ra thị trường tại địa phương, nhưng tảo xoắn Spirulina của anh Biên đã được nhiều người biết đến. Trung bình mỗi tháng gia đình anh xuất bán ra thị trường từ 15kg – 20kg tảo xoắn tươi dạng ép viên, với giá 1 triệu đồng/1kg, sau khi trừ chi phí anh thu lãi trên 10 triệu đồng/tháng.

Với mô hình mới, thành công bước đầu tạo động lực cho anh Biên tiếp tục xây dựng kế hoạch mở rộng bể nuôi tảo, từ đó có thể tạo cơ hội việc làm cho nhiều lao động địa phương cũng như phát triển kinh tế gia đình.

Tiến Minh ( theo báo Ninh Bình)