Yên Mô: Tập trung phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp

421

Để phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, huyện Yên Mô đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất phát triển, đồng thời có nhiều chính sách thu hút các dự án sản xuất mới, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế và giải quyết việc làm cho lao động địa phương.

Tạo hình sản phẩm gốm Bồ Bát (Yên Mô). Ảnh: Anh Tuấn

Theo đó, Yên Mô đã tập trung khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương, tranh thủ tối đa các nguồn lực bên ngoài, phát triển công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp và thương mại – dịch vụ theo hướng nâng cao năng lực sản xuất, chất lượng sản phẩm, năng suất lao động, khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường. Đồng thời tập trung tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp ổn định và đẩy mạnh sản xuất.

Trên địa bàn huyện hiện có trên 230 doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng, sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu, may xuất khẩu, sản xuất khí công nghiệp, xây lắp công trình. Hầu hết các doanh nghiệp đã quan tâm mở rộng sản xuất, tăng sản lượng, cải tiến mẫu mã, tìm kiếm thị trường cho các sản phẩm mang tính bền vững.

Do đó, hoạt động sản xuất từ đầu năm đến nay của nhiều doanh nghiệp đã có sự bứt phá. Điển hình như Công ty TNHH Bảo tồn và Phát triển gốm Bồ Bát, trong quý I năm 2019 doanh thu đã đạt 1,5 tỷ đồng, giải quyết việc làm thường xuyên cho 50 lao động, trong đó 30 lao động làm việc trực tiếp trong xưởng gốm với mức thu nhập từ 5-7 triệu đồng/tháng.

Anh Phạm Văn Vang, Giám đốc Công ty TNHH Bảo tồn và Phát triển gốm Bồ Bát cho biết: Từ một cơ sở sản xuất nhỏ chủ yếu sản xuất ra hàng gốm sứ dùng làm quà lưu niệm, đến nay với sự hỗ trợ, tạo điều kiện của các cấp, các ngành về đất đai, về vốn và công nghệ, Công ty đã có sự phát triển vượt bậc với sự đa dạng về mẫu mã sản phẩm, chất lượng ngày càng tốt, được khách hàng ưa chuộng. Công ty đang sản xuất các sản phẩm: bát, đĩa, ấm chén, lục bình….

Đặc biệt, Công ty còn sản xuất các loại bình giả cổ, bình phong thủy, tranh gốm sứ có giá trị lên đến hàng chục triệu đồng. Riêng năm 2018, năm bắt đầu đưa nhà xưởng và các dây chuyền máy móc thiết bị đi vào sản xuất, Công ty đã sản xuất 26.000 bộ sản phẩm các loại, doanh thu đạt trên 5 tỷ đồng.

Ngoài ra, Công ty TNHH Bảo tồn và Phát triển gốm Bồ Bát còn là điểm đến tham quan, du lịch, mua sắm của du khách trong nước, ngoài nước; là cơ sở học tập, trải nghiệm nghề thủ công cho học sinh trong và ngoài tỉnh.

Có thể khẳng định, nhờ cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, hỗ  trợ, tạo điều kiện cho lĩnh vực sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp phát triển, cùng với sự nỗ lực của chính các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất nên hoạt động sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn huyện Yên Mô phát triển ổn định và có mức tăng trưởng khá.

Trong quý I năm 2019, giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn đạt 249,3 tỷ đồng, đạt 23,7% kế hoạch. Các doanh nghiệp trên địa bàn huyện đã duy trì việc làm ổn định cho hơn 6.500 lao động với mức thu nhập bình quân từ  4-5 triệu đồng/người/tháng.

Song song với phát triển công nghiệp, huyện Yên Mô đã triển khai nhiều giải pháp để duy trì và phát triển các làng nghề truyền thống, mở thêm nghề mới như: hỗ trợ hoạt động đào tạo nghề, nâng cao tay nghề cho người lao động, tạo điều kiện về vốn vay, mặt bằng để các doanh nghiệp, tổ hợp tiến hành sản xuất, kinh doanh…

Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, các làng nghề truyền thống đã có nhiều đổi mới trong cách thức hoạt động, mạnh dạn mở rộng quy mô, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chú trọng nâng cao tay nghề cho người lao động, tạo ra những sản phẩm có sức cạnh tranh cao, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng ngày càng khắt khe đối với hàng xuất khẩu.

Toàn huyện đã có 13 làng được công nhận là làng nghề cấp tỉnh, tăng 10 làng so với năm 2008, tạo việc làm cho 5.000 lao động thường xuyên và hơn 10.000 lao động thời vụ, thu nhập bình quân từ 3-5 triệu đồng/người/tháng.

Theo đại diện lãnh đạo Phòng Kinh tế – Hạ tầng huyện Yên Mô, thời gian tới huyện tiếp tục tập trung phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Trong đó, phối hợp với các sở, ngành liên quan rà soát, bổ sung, điều chỉnh quy hoạch cụm, điểm công nghiệp cho phù hợp với yêu cầu phát triển.

Huyện cũng hỗ trợ, hướng dẫn các doanh nghiệp, đơn vị đăng ký tham gia hội chợ công thương khu vực Đồng bằng sông Hồng – Ninh Bình năm 2019, tham gia cuộc thi mẫu sản phẩm thủ công mỹ nghệ phục vụ du lịch và bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu năm 2019.

Thực hiện tốt các chương trình, dự án khuyến công hàng năm để hỗ trợ, khuyến khích phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.

Giáng Hương ( theo báo Ninh Bình)