Kiểm tra phổ cập giáo dục, xóa mù chữ tại các huyện, thành phố

396

Ngày 10/4, đoàn kiểm tra của Bộ GD&ĐT về kiểm tra công nhận tỉnh Ninh Bình đạt chuẩn phổ cập giáo dục, xóa mù chữ (PCGD, XMC) năm 2018 tại các huyện, thành phố trong tỉnh. Tham gia các đoàn kiểm tra có lãnh đạo Bộ GD&ĐT, Sở Giáo dục và Đào tạo, đại diện một số sở, ngành là thành viên Ban chỉ đạo tỉnh và lãnh đạo các huyện, thành phố.

Đoàn kiểm tra làm việc với Ban chỉ đạo phổ cập giáo dục, xóa mù chữ huyện Hoa Lư.

*Tại huyện Hoa Lư, qua kiểm tra thực tế công tác PCGD, XMC của thị trấn Thiên Tôn và xã Ninh Mỹ, làm việc với các thành viên Ban chỉ đạo của huyện Hoa Lư để nắm bắt, kiểm tra quá trình thực hiện phổ cập giáo dục xóa mù chữ của huyện, đoàn nhận thấy, Ban Chỉ đạo PCGD, XMC huyện Hoa Lư đã triển khai tuyên truyền sâu rộng đến các ban, ngành, đoàn thể và nhân dân các văn bản mới của Đảng, Nhà nước, của ngành Giáo dục về công tác PCGD,XMC.

Đồng thời triển khai tuyên truyền sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân, các nhà trường về công tác phổ cập, xóa mù chữ, từ đó không ngừng nâng cao chất lượng dạy và học trên địa bàn.

Huyện Hoa Lư hiện có 11 trường mầm non công lập, 4 nhóm lớp tư thục; 11 trường Tiểu học và 11 trường THCS đạt chuẩn quốc gia, đạt 100%.Thực hiện công tác PCGD,XMC, huyện Hoa Lư đã tăng cường kinh phí xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị dạy học cho các trường theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa. Đồng thời chỉ đạo các nhà trường thực hiện có hiệu quả việc đổi mới phương pháp dạy và học, thực hiện tốt giáo dục kỹ năng sống, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện của học sinh.

Chất lượng giáo dục ở các cấp học, bậc học ngày càng được nâng cao, đảm bảo tất cả học sinh đều được học 2 buổi/ngày. Đã thực hiện chương trình giáo dục mầm non cho lớp 5 tuổi. Giáo dục tiểu học đạt tỷ lệ 99,7% học sinh lớp 1,2,3,4 hoàn thành chương trình lớp học; 100% học sinh lớp 5 hoàn thành chương trình tiểu học. Giáo dục THCS đạt thành tích cao, đạt nhiều giải học sinh giỏi văn hóa cấp tỉnh; năm học 2017-2018, ngành GD&ĐT Hoa Lư xếp thứ 3 toàn tỉnh…

Qua kiểm tra, đánh giá, đoàn kiểm tra ghi nhận những kết quả mà huyện Hoa Lư đạt được trong năm 2018 về công tác PCGD,XMC, thống nhất, huyện Hoa Lư đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi; đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3; phổ cập giáo dục THCS mức độ 3; đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2, từng bước đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo trong giai đoạn hiện nay.

Đoàn kiểm tra đi kiểm tra công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ tại hộ dân ở xã Đồng Phong.
* Cùng ngày, đoàn kiểm tra phổ cập giáo dục, xóa mù chữ của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đi kiểm tra việc duy trì nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục, xóa mù chữ tại huyện Nho Quan. Cùng đi, có lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo và một số sở, ngành của tỉnh.

Hiện nay, huyện Nho Quan có 82 trường học, 997 lớp với trên 32 nghìn học sinh và trên 2 nghìn cán bộ, giáo viên, nhân viên. Trong năm 2018, huyện Nho Quan tiếp tục tăng cường công tác chỉ đạo các ngành, các địa phương đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục, duy trì mạng lưới trường lớp, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học cho giáo dục: thực hiện tốt các tiêu chuẩn, điều kiện về phổ cập giáo dục, xóa mù chữ.

Năm 2018, tổng kinh phí dành cho công tác phổ cập giáo dục và xóa mù chữ của huyện khoảng 23 tỷ đồng để tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị, trong đó riêng huyện đầu tư trên 50 tỷ đồng. Cùng với đó, đội ngũ giáo viên được quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Công tác xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia đạt kết quả khá tốt với 75/82 trường đạt chuẩn quốc gia, chiếm tỷ lệ 91,3%. Nhờ đó, chất lượng giáo dục ngày càng phát triển toàn diện.

Sau khi kiểm tra, đánh giá hồ sơ và đi kiểm tra thực tế ở xã Đồng Phong và xã Lạng Phong, đồng thời đối chiếu với các tiêu chuẩn và điều kiện bảo đảm thực hiện phổ cập giáo dục, xóa mù chữ tại Nghị định 20/NĐ-CP của Chính phủ, đoàn kiểm tra đã đánh giá 27/27 đơn vị cấp xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi.

Huyện Nho Quan duy trì đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi năm 2018. Đối với phổ cập giáo dục tiểu học, có 27/27 đơn vị chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3 và 27/27 đơn vị cấp xã đạt chuẩn phổ cập THCS mức độ 3. Đối với tiêu chuẩn xóa mù chữ, huyện Nho Quan duy trì đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2.

Đoàn làm việc tại thành phố Tam Điệp. Ảnh: Đào Hằng

*Buổi chiều cùng ngày, Đoàn cũng đã đi kiểm tra công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ tại thành phố Tam Điệp.

Hiện nay, thành phố Tam Điệp có 26 trường học. Trong đó, 100% các trường Mầm non,Tiểu học, THCS đạt chuẩn quốc gia. Các nhà trường đều đáp ứng tốt nhu cầu học tập của con em địa phương. Đây là chính là những yếu tố thuận lợi để thành phố thực hiện có hiệu quả công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ.

Trong năm 2018, thành phố Tam Điệp đã đầu tư hơn 30 tỷ đồng để xây dựng phòng học, mua sắm trang thiết bị dạy học. Bên cạnh đó, thành phố rất chú trọng tới công tác bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, đẩy mạnh đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.

Nhờ đó, chất lượng giáo dục ở các cấp có nhiều chuyển biến tích cực, đặc biệt là ở bậc học THCS, chất lượng học sinh giỏi lớp 9 xếp thứ 4/8 huyện, thành phố. Chất lượng thi tuyển vào THPT luôn đứng tốp đầu của tỉnh.

Qua kiểm tra đánh giá hồ sơ và đi kiểm tra thực tế tại xã Đông Sơn và phường Bắc Sơn, đồng thời đối chiếu với tiêu chuẩn và điều kiện đảm bảo thực hiện phổ cập giáo dục, xóa mù chữ, Đoàn đã đánh giá thành phố Tam Điệp có 9/9 xã, phường duy trì đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi. 9/9 xã, phường duy trì đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3 và 9/9 xã, phường duy trì đạt chuẩn phổ cập giáo dục mức độ 3. Đảm bảo đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2.

Đoàn làm việc tại huyện Yên Mô. Ảnh: Trường Giang

*Chiều 10/4, đoàn kiểm tra của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã về kiểm tra công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ tại huyện Yên Mô. Dự đoàn kiểm tra có lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, Sở Giáo dục và Đào tạo, đại diện một số sở, ngành là thành viên Ban chỉ đạo phổ cập giáo dục, xóa mù chữ tỉnh, đại diện lãnh đạo huyện Yên Mô.

Đoàn đã tổ chức kiểm tra công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ tại xã Yên Hòa và Mai Sơn để nắm bắt thực tế triển khai công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ ở cơ sở. Đồng thời, Đoàn kiểm tra xác suất hồ sơ phổ cập của một số xã. Qua đó nhằm thẩm tra lại kết quả công nhận PCGD, XMC của tỉnh đối với huyện Yên Mô.

Qua kiểm tra thực tế cũng như xem xét báo cáo của Ban chỉ đạo PCGD, XMC huyện Yên Mô, đoàn đánh giá cao sự nỗ lực của huyện trong công tác PCGD, XMC. Công tác PCGD, XMC được huyện quan tâm từ việc ban hành các văn bản chỉ đạo đầy đủ, sát sao, phù hợp với điều kiện của huyện; quá trình triển khai thực hiện quan tâm tới công tác tuyên truyền, thực hiện việc điều tra và xử lý số liệu, cập nhật phần mềm đảm bảo tiến độ quy định hằng năm.

Công tác xã hội hóa đối với PCGD, XMC nhận được quan tâm của các cấp, các ngành, doanh nghiệp trong hỗ trợ nguồn lực cho hoạt động giáo dục trong và ngoài nhà trường. Tài chính dành cho PCGD, XMC được huyện dành kinh phí thỏa đáng, đầu tư trọng tâm, trọng điểm cho các trường xây dựng chuẩn quốc gia, các xã xây dựng nông thôn mới.

Năm 2018, huyện có 17/17 xã, thị trấn duy trì đạt chuẩn PCGD cho trẻ mầm non 5 tuổi; có 100% đối tượng khuyết tật có khả năng học tập được tiếp cận giáo dục trong và ngoài nhà trường. Đối với giáo dục tiểu học và giáo dục trung học, 17.17 xã, thị trấn đạt phổ cập mức độ 3.

Toàn huyện có 240 thôn xóm (khu phố), có 99,96% người hoàn thành chương trình giáo dục trung học, đảm bảo đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2. Về điều kiện đảm bảo về đội ngũ, cơ sở vật chất thiết bị dạy học, công tác phân luồng học sinh đều đảm bảo đạt theo quy định.

Đoàn làm việc tại thành phố Ninh Bình. Ảnh: Minh Quang

*Chiều ngày 10/4, đoàn công tác của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức kiểm tra công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ năm 2018 trên địa bàn thành phố Ninh Bình. Cùng đi với đoàn có lãnh đạo Sở Giáo dục vào Đào tạo, Phòng Giáo dục- Đào tạo thành phố Ninh Bình.

Ngành giáo dục và đào tạo thành phố Ninh Bình hiện quản lý 46 trường học mầm non, tiểu học và THCS. Trong đó có 44/46 trường đạt chuẩn Quốc gia. Tính đến tháng 10/2018, trên địa bàn thành phố Ninh Bình có 14/14 phường, xã đạt tiêu chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi;

14/14 phường, xã đạt tiêu chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học và THCS mức độ 3; 100% người trong độ tuổi từ 15 – 60 được công nhận đạt chuẩn biết chữ mức độ 2. Các điều kiện bảo đảm phổ cập giáo dục, xóa mù chữ được đảm bảo, đáp ứng được yêu cầu thực tiễn…

Tại buổi kiểm tra, đoàn đã tiến hành kiểm tra hồ sơ phổ cập giáo dục, xóa mù chữ theo mức độ, đối chiếu với kếtquả, số liệu phổ cập giáo dục, xóa mù chữ trên hệ thống thông tin quản lý dữ liệu phổ cập giáo dục, xóa mù chữ của một số phường, xã trên địa bàn và thành phố Ninh Bình; kiểm tra thực tế công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ tại 2 phường Ninh Phong và Ninh Sơn.

Qua kiểm tra, đoàn đã đánh giá: Năm 2018, thành phố Ninh Bình đã quan tâm đầu tư cho giáo dục, chỉ đạo các phường, xã tăng cường xây dựng cơ sở vật chất cho các nhà trường. Ban chỉ đạo phổ cập giáo dục thành phố và các phường, xã đã thực hiện tốt công tác tuyên truyền tới toàn thể cán bộ, nhân dân trên địa bàn. Quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ giáo viên cả về số lượng và chất lượng. Các thông tin trong hồ sơ tương đối đầy đủ, khớp số liệu…

Đối chiếu với quy định, đoàn đánh giá thành phố Ninh Bình đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học và THCS mức độ 3, đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2 năm 2018.

Đoàn đề nghị thời gian tới, thành phố Ninh Bình cần tiếp tục đầu tư nguồn lực để duy trì các kết quả đã đạt được trong công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ. Tăng tỷ lệ phòng học cho giáo dục mầm non. Khắc phục tình trạng mất cân đối cục bộ giáo viên ở bậc THCS. Sắp xếp, lưu trữ hồ sơ khoa học hơn để dễ tra cứu và bảo quản…

Các đại biểu dự buổi làm việc với đoàn kiểm tra. Ảnh: Kiều Ân

*Ngày 10/4, đoàn công tác của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức kiểm tra công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ năm 2018 trên địa bàn huyện Gia Viễn. Cùng đi với đoàn có lãnh đạo Sở Giáo dục vào Đào tạo, Phòng Giáo dục– Đào tạo huyện Gia Viễn.

Trên địa bàn huyện Gia Viễn có 21 trường mầm non, 22 trường tiểu học, 21 trường trung học cơ sở với tổng số gần 25.000 học sinh. Năm 2018, huyện Gia Viễn đãtích cực kiện toàn Ban chỉ đạo phổ cập giáo dục, xóa mù chữ, huy động được nhiều nguồn xã hội hóa để mua sắm trang thiết bị, cơ sở vật chất dạy học, xây dựng khu vui chơi, cảnh quan khuôn viên các nhà trường.

Tích cực kiểm tra đôn đốc việc thực hiện phổ cập giáo dục, xóa mù chữ. Bên cạnh đó, đội ngũ giáo viên và nhân viên đã dần được chuẩn hóa và không ngừng được bồi dưỡng nâng cao trình độ. Cơ sở vật chất phục vụ việc dạy và học được quan tâm,đáp ứng được yêu cầu thực tế…

Đối chiếu với tiêu chuẩn và điều kiện bảo đảm phổ cập giáo dục, xóa mù chữ, năm 2018 huyện Gia Viễn đánh giá 21/21 đơn vị cấp xã duy trì vững chắc đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, duy trì chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học và THCS mức độ 3, đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2;

Huyện Gia Viễn duy trì đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học và THCS mức độ 3, và đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2. Tỷ lệ biết chữ trong độ tuổi từ 15-60 đạt 99,7%.

Trong đợt này, đoàn đã tiến hành kiểm tra hồ sơ phổ cập giáo dục, xóa mù chữ theo mức độ, đối chiếu với kếtquả, số liệu phổ cập giáo dục, xóa mù chữ trên hệ thống thông tin quản lý dữ liệu phổ cập giáo dục, xóa mù chữ của 10/21xã và huyện Gia Viễn; kiểm tra thực tế công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ tại xã Gia Vượng và Gia Tân.

Qua kiểm tra, đoàn công tác đã đánh giá rất cao công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ của các đơn vị được kiểm tra. Các đơn vị đã huy động được sự tham gia của các ban, ngành, đoàn thể vào công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ. Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học được đảm bảo, đạt được yêu cầu đặt ra. Tỷ lệ học sinh khuyết tật có khả năng học tập được tiếp cận giáo dục khá cao. Hồ sơ phổ cập giáo dục, xóa mù chữ các xã và của huyện khá đầy đủ, lưu trữ khoa học, rõ ràng, số liệu tương đối chính xác.

Đoàn kiểm tra kết luận huyện Gia Viễn đạt chuẩn phổ cập giáo dục, xóa mù chữ tại thời điểm tháng 10/2018. Tuy nhiên, đoàn cũng đưa ra một số đề xuất, kiến nghị đối với huyện Gia Viễn trong thời gian tới: Ban chỉ đạo phổ cập giáo dục, xóa mù chữ cấp huyện, xã cần tăng cường vai trò của các ban, ngành, đoàn thể trong công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ. Tăng cường công tác tuyên truyền tới toàn thể nhân dân về công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ.

Tiếp tục đầu tư nguồn lực nâng cấp cơ sở vật chất các trường học; tạo điều kiện để đội ngũ giáo viên được nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ để đáp ứng kịp thời chương trình giáo dục mới. Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện hồ sơ, báo cáo phổ cập giáo dục xóa mù chữ các cấp.

Nhóm PV ( theo báo Ninh Bình)