Giá điện tăng 8,3% bắt đầu từ cuối tháng 3/2019, giá bán xăng dầu cũng dự kiến tăng 2,3 – 5,8%, chi phí đầu vào cho sản xuất xi măng (XM) tiếp tục tăng khiến các doanh nghiệp ngành XM đau đầu. Một số doanh nghiệp XM buộc phải tăng giá bán để ổn định sản xuất, kinh doanh.

Chi phí sản xuất tăng, doanh nghiệp lo lắng
Trong cơ cấu giá XM, chi phí cho năng lượng chiếm 60%, trong đó điện năng chiếm đến 30%. Với mức tăng 8,3%, giá bán điện bình quân sẽ tăng thêm 143,79 đồng lên mức 1,864 đồng/kWh, giá mua điện giờ thấp điểm được tính 52% và cao nhất 167% so với giá điện bình quân vào thời gian giờ cao điểm.
Đại diện Tổng Cty Xi măng Việt Nam cho biết, giá điện tăng hơn 8% vào cuối tháng 3 thực sự là áp lực với ngành. Nếu áp khung giá điện cũ, với năng lực sản xuất 24 – 25 triệu tấn sản phẩm/năm, toàn Tổng Cty phải chi khoảng 300 tỷ đồng/tháng. Nếu áp dụng giá điện mới, mỗi tháng, Tổng Cty phải chi tăng thêm khoảng 20 tỷ đồng tiền điện. VICEM vô cùng lo lắng khi giá điện tăng, bởi giá điện tăng 8,3% thì mỗi năm chi phí tiền điện của VICEM sẽ tăng thêm gần 300 tỷ đồng.
Trước đây, định mức tiêu hao điện năng là 100 kwh/tấn xi măng. Nay, các doanh nghiệp ngành XM áp dụng các biện pháp nhằm giảm tiêu hao điện năng cũng như áp dụng các biện pháp khoa học vào sản xuất thì định mức điện năng của ngành còn 90 – 95 kwh/tấn XM.
Doanh nghiệp XM nào tiết kiệm lắm thì chi phí điện năng cũng chiếm 14% chi phí điện năng trong giá thành sản xuất. Còn nếu chưa tiết kiệm triệt để thì mức chi phí điện năng ở con số trên 15% trở lên.

Tăng giá bán XM
Theo ông Nguyễn Quang Cung – Chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam, giá điện tăng 8,3% kéo theo giá thành sản xuất 1 tấn xi măng tăng 14 – 15 nghìn đồng/tấn. Giá thành tăng thì chắc chắn các doanh nghiệp XM sẽ đồng loạt tăng giá bán.
Thực tế nhiều doanh nghiệp XM như Xi măng Cẩm Phả, Xi măng Xuân Thành, Xi măng X18, VICEM Hoàng Mai, Thành Thắng, VICEM Bút Sơn, VICEM Hoàng Thạch, VICEM Bỉm Sơn, Xi măng Hướng Dương, Xi măng Hải Vân, Xi măng Công Thanh, Xi măng Nghi Sơn, VICEM Hà Tiên… đã có thông báo tăng giá bán XM ra thị trường.
Một số doanh nghiệp như Vissai Ninh Bình, Xi măng Sông Lam, Xi măng Đồng Lâm, Xi măng Công Thanh… bắt đầu điều chỉnh giá bán XM từ ngày 1/4/2019.
Theo khảo sát của phóng viên Báo điện tử Xây dựng, giá bán XM tăng bình quân khoảng 50.000 đồng/tấn. Mức tăng này là hợp lý và tất yếu khi giá điện tăng và giá xăng dầu tiếp tục tăng lên. Đây cũng là đợt điều chỉnh giá bán đầu tiên trong năm 2019 và ngành XM được đánh giá là ngành có giá bán ổn định, ít biến động so với nhiều ngành sản xuất khác.
Theo Tổng Giám đốc VICEM Bùi Hồng Minh, VICEM đang đẩy mạnh áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất, đồng thời tập trung giải quyết nút thắt công nghệ, giảm tiêu hao đặc biệt là tiêu hao năng lượng, giảm chi phí, cải tạo hệ thống máy nghiền, nâng cao năng lực cạnh tranh, nâng cao năng lực sản xuất…