NDĐT – Ngày 13-3, Chi cục trưởng Chăn nuôi và Thú y, Sở NN-PTNT tỉnh Ninh Bình, Nguyễn Tiến Mạnh, cho biết, sinh vật lạ ăn ngao giống hàng loạt trong thời qua ở vùng ven biển huyện Kim Sơn, khiến người dân hoang mang vì thiệt hại đã được Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I xác định là loài rết biển hay còn gọi là sâu biển.

Loài sâu đó có tên khoa học là Chloeia sp, thuộc ngành giun đốt Annelida, lớp giun nhiều tơ Polychaeta. Đặc điểm sâu Chloeia sp có thân dài 5cm đến 10cm, có nhiều lông chạy dọc theo hai bên thân, sống lưng. Trên thân của chúng có nhiều hình tam giác, đốm tròn rực rỡ các màu. Loài sâu này thường ở dưới cát, bùn và thích bò lên bề mặt nước khi bị thu hút bởi ánh sáng ban đêm.
Ở Việt Nam, sâu biển đã xuất hiện tại vùng nuôi thủy sản bằng lồng ở Cát Bà (Hải Phòng), Vân Đồn (Quảng Ninh) và trên một số bãi nuôi ngao vùng biển miền trung, phía nam.
Tại Ninh Bình, từ tháng 2, nhiều số hộ dân nuôi ngao ở vùng ven biển huyện Kim Sơn của tỉnh đã phát hiện loài sâu lạ nêu trên. Đáng nói, loài sâu này rất thích ăn ngao giống; khi nước thủy triều rút, nhiều hộ kiểm tra thấy số lượng ngao giảm rất nhanh, khiến nhiều người hoang mang vì nguy cơ nuôi ngao mất trắng.
Để giúp người dân diệt trừ loài sâu biển phá hoại 30 ha nuôi ngao, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Ninh Bình nhanh chóng cử cán bộ kỹ thuật phối hợp Trạm thủy sản và các đơn vị chức năng ở huyện Kim Sơn, tổ chức khuyến cáo các hộ nuôi trồng thủy sản không thả giống ngao cỡ nhỏ (loại từ 500 con/kg đến 800 con/kg). Tiếp tục thả ngao giống có kích thước lớn để tránh bị sâu biển ăn thịt, gây thiệt hại cho sản xuất. Tích cực diệt trừ sâu biển bằng các biện pháp thủ công, như: giăng lưới, quây đăng, sử dụng nguồn sáng vào ban đêm để khích thích dẫn dụ sâu biển nổi lên mặt nước, sau đó dùng vợt bắt. Bà con cần chú ý tuyệt đối không sử dụng hóa chất, thuốc không có danh mục được phép sử dụng, thuốc không rõ nguồn gốc để diệt sâu biển, gây ảnh hưởng xấu tới môi trường.