Ninh Bình: Dịch tả lợn trong tầm kiểm soát nhưng không được chủ quan

343

Đây là ý kiến của Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An trong đợt kiểm tra tình hình phòng chống dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP) tại tỉnh Ninh Bình vào ngày 19/3. 

Theo thống kê của cơ quan chức năng, tính tới ngày 18/3/2019, cả nước đã có tổng cộng 18 tỉnh nhiễm dịch tả lợn châu Phi, gồm Bắc Ninh, Lạng Sơn, Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà Nội, Hà Nam, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Nam Định, Ninh Bình, Điện Biên, Hòa Bình, Hải Dương, Sơn La, Nghệ An.

Trước tình hình này, Chính phủ đã nhanh chóng chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương quyết liệt chống dịch nhằm tránh lây lan, hạn chế thiệt hại đến ngành chăn nuôi cũng như thị trường thịt lợn. Nhằm chung tay phòng chống dịch, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã chỉ đạo các đơn vị liên quan tăng cường phối hợp, triển khai các biện pháp phòng chống dịch, đồng thời tổ chức 2 đoàn kiểm tra do Thứ trưởng Đặng Hoàng An và Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT Trần Hữu Linh đi kiểm tra tại 5 tỉnh miền Bắc.

Không để phát sinh thêm ổ dịch nào

Tại Ninh Bình, vào ngày 8/3/2019, tỉnh đã phát hiện đàn lợn của gia đình ông Nguyễn Xuân Hải (xã Ninh Khang, huyện Hoa Lư) có biểu hiện mắc bệnh DTLCP, chính quyền phối hợp với các ngành chức năng lấy mẫu bệnh phẩm gửi xét nghiệm, kết quả dương tính với bệnh DTLCP. Sau khi kiểm đếm, cân, phân loại đã tiêu hủy 59 con lợn, tổng trọng lượng 5.988 kg.

UBND huyện Hoa Lư cũng đã công bố bệnh DTLCP, đồng thời thành lập 6 chốt kiểm dịch động vật liên ngành để phòng, chống dịch bệnh tại xã Ninh Khang và ban hành công điện khẩn yêu cầu các xã, thị trấn trên địa bàn huyện triển khai các biện pháp cấp bách phòng chống dịch.

Báo cáo với đoàn công tác của Bộ Công Thương về tình hình chống dịch trong những ngày qua, ông Nguyễn Ngọc Thạch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình cho biết, toàn tỉnh đang tập trung huy động mọi nguồn lực để khoanh vùng, khống chế dịch. Tính đến nay, toàn tỉnh đã cấp 14.200 lít hóa chất RTD – IODINE và 600 lít PVD IODINE cho 8 huyện, thành phố để tổ chức phun hóa chất khử trùng tiêu độc môi trường phòng chống dịch bệnh.

Hiện nay, toàn tỉnh Ninh Bình thành lập 18 chốt kiểm dịch động vật, gồm 03 chốt do UBND tỉnh thành lập (Chốt cầu Khuất tại xã Gia Thanh, huyện Gia Viễn; chốt cầu Non Nước tại phường Đông Thành, TP. Ninh Bình; chốt Dốc Xây, phường Nam Sơn, TP. Tam Điệp), 11 chốt do UBND các huyện thành lập 4 chốt kiểm dịch cấp xã.

Cục Quản lý thị trường (QLTT) Ninh Bình hiện nay tuy số lượng biên chế còn mỏng, trong điều kiện vẫn phải tiếp tục duy trì các hoạt động kiểm tra, kiểm soát theo kế hoạch đã được phê duyệt, lực lượng QLTT đã tích cực, trách nhiệm tham gia công tác phòng, chống dịch tại các chốt.

Cụ thể: trên tổng số 18 chốt kiểm dịch trên địa bàn tỉnh, Cục QLTT tỉnh đã tham gia 3/3 chốt kiểm dịch cấp tỉnh, 6/11 chốt kiểm dịch cấp huyện và 2 Đoàn kiểm tra lưu động. Tổng số cán bộ tham gia trực tiếp tại các chốt kiểm dịch là 19 đồng chí. Các chốt kiểm dịch thực hiện chế độ trực luân phiên, đảm bảo trực 24/24.

Ông Bùi Văn Quý, Quyền Cục trưởng Cục QLTT Ninh Bình cho biết thêm, để chủ động theo dõi, nắm tình hình dịch bệnh diễn ra trên địa bàn, Cục đã yêu cầu các Đội QLTT thường xuyên nắm bắt tình hình tại địa phương, kịp thời báo cáo về Cục khi có bất thường; yêu cầu các cán bộ trực tại các chốt thường xuyên trực tại chốt, kịp thời tổng hợp, báo cáo tình hình tại chốt theo chế độ báo cáo ngày.

Tính đến ngày 18/3/2019, tại 03 chốt kiểm dịch do tỉnh thành lập đã kiểm tra 74 phương tiện chở gia súc, gia cầm; trong đó có 72 phương tiện có giấy kiểm dịch, đã tiến hành phun khử trùng và tiêu độc khi qua chốt, 01 phương tiện không có giấy kiểm dịch, các lực lượng tại chốt đã yêu cầu xe quay trở lại; 01 phương tiện không chấp hành hiệu lệnh dừng xe của lực lượng chức năng. Các phương tiện chở tổng số 36.750 con gia súc, gia cầm trong đó có 11.498 con lợn, 1.927 con trâu/bò, 120 con dê và 23.205 con vịt/gà.

Cùng với công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, lực lượng QLTT đã phối hợp với chính quyền địa phương, đặc biệt các địa phương trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện DTLCP đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về công tác phòng chống dịch, chống nguy cơ lây lan dịch bệnh, sử dụng thực phẩm an toàn, không sử dụng thịt gia súc, gia cầm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không vận chuyển, buôn bán gia súc, gia cầm nhiễm bệnh cho các tổ chức, cá nhân kinh doanh, chăn nuôi.

Đồng thời, phối hợp với các cơ quan thông tấn, báo chí thông tin kịp thời về kết quả kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi buôn bán, vận chuyển, giết mổ, chế biến tiêu thụ động vật, sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc, không đảm bảo an toàn thực phẩm.

Bên cạnh đó, lãnh đạo Cục tăng cường đôn đốc, theo dõi, kiểm tra, giám sát cán bộ, công chức quản lý thị trường tham gia trực tại các chốt kiểm dịch; động viên cán bộ công chức trong đơn vị thực thi công vụ với tinh thần cao nhất, cùng với các ngành chức năng tại địa phương thực hiện đúng phương châm “phòng dịch như chống dịch”, “chống dịch như chống giặc”.

Với hai biện pháp được triển khai, đó là ngăn chặn, khoanh vùng tiêu hủy và vệ sinh tiêu độc, khử trùng, 10 ngày trôi qua từ khi ổ dịch đầu tiên được phát hiện, Ninh Bình không phát hiện thêm ổ dịch mới. Điều này thể hiện quyết tâm của tỉnh trong phòng chống dịch.

“Thuận lợi lớn nhất của Ninh Bình đó là đã dập tắt ngay sự lây lan của nguồn dịch. Vấn đề quan trọng nhất của tỉnh hiện nay đó chính là khâu tiêu thụ sản phẩm.” – ông Qúy khẳng định

Qua khảo sát tình hình thị trường, khi chưa có dịch, giá thịt lợn hơi trước khi có dịch giao động khoảng 45.000 – 50.000 đồng/kg nhưng hiện tại giảm xuống còn khoảng 34.000 đồng/kg, lượng thịt lợn tại các lò mổ cũng giảm mạnh, có điểm giảm trên 50% so với trước khi có dịch. Tại các Trung tâm thương mại và các chợ trung tâm, thịt lợn và các sản phẩm từ thịt lợn (giò, chả, xúc xích) bán ra giảm mạnh so với trước khi có dịch do tâm lý e ngại tiêu dùng của người dân.

Dành toàn bộ lực lượng phòng và chống dịch ( theo congthuong.vn)